Tái hiện Lễ cầu an của dân tộc Tày tại "Ngôi nhà chung"
(LVH) - Sáng 8/3, đồng bào Tày đến từ tỉnh Thái Nguyên đã tái hiện Lễ cầu an của dân tộc mình, đây là hoạt động trong khuôn khổ tháng 3 với chủ đề “Tuổi trẻ với văn hóa truyền thống” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Lễ cầu an, cầu phúc là một sinh hoạt dân gian gắn bó mật thiêt với cộng đồng người Tày. Lễ được tổ chức vào cuôi tháng Giêng đâu tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là dịp để mọi người tụ họp, giao lưu thể hiện niềm thành kính với thần linh, tổ tiên, biểu đạt ước vọng trong sáng của về một cuộc sống hạnh phúc, an bình, no ấm.

Lễ cầu an của người Tày trước kia thường được tổ chức khi đêm xuống và làm trọn một đêm, nhưng ngày nay, nghi lễ này đã chuyển sang ngày, cũng là do điều chỉnh theo sinh hoạt thường nhật, theo nhu cầu của gia chủ.

Với người Tày, Lễ cầu an là một nghi lễ hết sức quan trọng đầu năm, người Tày quan niệm, khi làm lễ này rồi thì sẽ được các đấng siêu nhiên, được những Pụt Luộng (Phật lớn) và Đằm (tổ tiên) phù trợ, hổ về không trúng, rắn cắn không vào, xuống nước tự nổi, làm gì được nấy.

Trong nghi lễ cầu an, cầu phúc, thầy sẽ thực hiện được cả ba phần Pựt, Then, Mo. Ở mỗi phần sẽ có những nội dung khác nhau để cảm nhận được rõ rệt sự có mặt của các đấng siêu nhiên, cảm nhận được từng trường đoạn với những khúc tấu khi thủ thỉ lúc hào sảng của ông thầy. Tại lễ Cầu an có Nàng hương (Chậu Slay), chàng Khóa. Nàng hương, người sẽ giúp lễ thầy, phải là người con gái thùy mị, nết na, trong trắng và đặc biệt phải chưa chồng. Khi thực hiện Lễ cầu an, sẽ có hai sự cảm nhận trong không gian nhà sàn, đó vừa là không gian của văn hóa tâm linh, vừa là không gian nghệ thuật của một tộc người với đầy đủ các quan niệm về vũ trụ, nhân sinh.

Mâm giải hạn: Hình vẽ con hổ, hình ngũ quỷ, cờ ngũ sắc, gạo, đèn dầu, bát gạo giải hạn, hình nhân. Mầm bà mụ: Gà luộc, cây hoa, hương, đèn, sách bút, vở, ngũ cốc, bánh kẹo. Mâm cốc cầu: Gà luộc, gạo, hương, cầu nồi số, cầu mệnh, cầu đin, vải đỏ vải đen lót cầu, bánh kẹo, hoa quả. Mâm tam sinh (slam sleng): 1 gà sống, 2 miếng thịt sống, gạo, hương. Đa tháp: 1 con gà, 1 con vịt, lồng gà vịt, làn nhựa, gạo, rượu, đòn càn, 1 cây chuối nguyên. Mâm chúng sinh: Cờ ngũ sắc, gạo hương, thức ăn. Nhạc cụ: 3 đàn tính đầu rồng; 3 quạt; 4 bộ xóc nhạc.

Nghi lễ cầu an sẽ trải qua các bước như sau:
Bước 1: Lễ đón thầy (tắng slay)

Đây là thủ tục đầu tiên trong nghi lễ then giải hạn, cầu an đầu năm của người Tày, Nùng. Đến ngày lành tháng tốt đã định, chủ nhà sẽ cử người đến tận nhà thầy để đón thầy về hành lễ. Thủ tục này thể hiện sự tôn trọng của chủ nhà đôi với thầy và binh mã của thầy. Khi các thầy đến nhà, chủ nhà chuẩn bị một mâm lễ để đón thầy. Mâm lễ này được gọi là "bâm tẳng pựt". Trước khi vào nhà, các thầy làm phép và ném gạo ra 4 phía để cung cấp lương thực cho binh mã của thầy sau một chặng đường đi theo hộ giá thầy từ nhà cho đến nơi hành lễ.

Bước 2: Những thủ tục trước khi vào hành lễ.
Trước khi vào cuộc lễ chính thức, gia chủ mời các thầy uống trà, nước và thông tin cho thầy về hoàn cảnh gia đình cũng như nguyện vọng cầu an, giải hạn muốn các thầy giúp đỡ. Khi nhận được lời của gia chủ, các thầy then bắt đầu thực hiện nghi thức lập bàn thờ then và bấm ngón tay để tìm ra những tai hạn mà nhà chủ sẽ gặp trong năm mới.
Bước 3: Nghi lễ báo tổ sư, thần linh và tổ tiên của chủ nhà.
Thầy then thỉnh mời các vị thần linh, các vị tổ sư và tổ tiên của nhà chủ để thông báo về cuộc lễ. Đồng thời xin các vị phù hộ cho gia đình Thầy then đàn và hát mời thần linh. Thầy then xin âm dương. Tổ tiên về dặn dò con cháu.

Ở mỗi cung cửa ở trên trời, thầy then đều xin âm dương để hỏi ý kiến các vị thần linh. Trong đó, quan trọng nhất là việc vào cửa quan Thổ Công trấn giữ bản mường. Khi được sự đồng ý của thần linh, thầy then sẽ cùng với đoàn quân then hành quân lên các cõi linh thiêng ở trong tam giới. Ở phần lễ này, ông tổ của dòng họ sẽ nhập vào thầy để dặn dò con cháu phải cẩn thận vào những ngày nhất định trong năm để tránh bị tai họa. Đây cũng là phần lễ thể hiện rõ nhất tính chất shaman trong thực hành nghi lễ then của dân tộc Tày.
Bước 4: Nghi lễ sái tịnh đàn tràng (sláo ví)

Lễ sái tịnh đàn tràng "sláo ví" được thực hiện trước khi thầy then nộp lễ lên các cửa nhà trời. Trong lễ này, thầy then thỉnh chuông hát mời hai nàng tiên Thanh Thư và Thanh Thảo xuống trần gian giúp thầy làm lễ sái tịnh, giải đi hết tất cả vía xấu, vía độc và những điều không tốt có thể ảnh hưởng đến đàn tràng.
Bước 5: Nghi lễ quét nhà (quét rườn)

Sau khi đã sái tịnh xong, gia chủ đem đến 01 bát gạo có cắm 03 nén hương và phong bao lì xì. Trong lễ này, thầy then sử dụng lửa và thần chú để tống tiễn đi những điều xui rủi. Do đó, trong các lễ then giải hạn, cầu an thường có nghi thức quét nhà. Tuy nhiên, nghi thức này chỉ được thực hiện từ tháng 02 âm lịch trở đi chứ không thực hiện trong tháng giêng vì quan niệm sẽ quét đi tất cả tài lộc, không may mắn cùng những loại tà ma, yêu quái ra khỏi nhà. Thầy sẽ lần lượt làm lễ quét nhà tại bếp, gian thờ chính trong nhà, cửa ra vào và ở sân nhà. Sau khi kêt thúc phần quét nhà ở sân, thầy then dùng phép đập tan 01 chiếc bát để thị uy và đặt ra khoán ước với các loại yêu quái, tà ma rằng chỉ khi nào chiếc bát này liền lại thì mới được quay trở lại nhà gia chủ.
Bước 6: Nghi lễ giải hạn (chải hạn, chải sao)

Theo quan niệm dân gian của người Tày thì trong một năm, tùy theo từng độ tuổi mà mỗi người sẽ phải chịu những loại hạn khác nhau như hạn ngũ qủy, hạn bạch hổ, hạn tam kheo, hạn ngũ mộ,… Căn cứ theo bát tự của từng người mà thầy then sẽ làm phép đề giải trừ đi loại hạn tương ứng. Các loại hạn này được hình tượng thông qua các tranh vẽ hoặc tranh cắt dán. Thầy xem sách thấy gia chủ mắc phải hạn ngũ quỷ và con trai lớn mắc hạn bạch hổ nên thầy sử dụng tranh vẽ con hồ và tranh cắt dán hình 5 con quỷ để giải hạn.
Bước 7: Nghi lễ vun hoa (luồm cốc bjoóc)
Người Tày quan niệm, số mệnh con người là những cây hoa được nữ thần Mẻ bjooc (tức mẹ hoa) chăm bẫm và cai quản. Trong 03 năm đầu tiên của cuộc đời, do cây sinh mệnh còn yếu nên vào lễ giải hạn đầu năm. Các thầy then mặc áo dài đỏ và đội mũ then. Sau đó hát thỉnh mời bà mụ xuống nhận lễ. Các thầy và các nàng hương múa chầu ở khu vực bàn thờ. Thầy then, các đệ tử và những cô nàng hương sẽ múa xung quanh mâm cây hoa. Khi các thầy đang múa, lần lượt từng người sẽ cho tiền vào mâm cây hoa và đổ gạo vào gốc cây hoa 03 lần để mong cho cây hoa số mệnh của em bé luôn được vững chãi. Cùng lúc này, ông chủ nhà sẽ lấy con gà luộc ở mâm cúng bà mụ đi theo và múa cùng với các thây then với ý nghĩa con gà sẽ mô hêt những loại sâu bệnh phá hoại cây.
Bước 8: Múa chầu ở cây cầu nối số (tâu slổ)

Trong quan niệm của người Tày, mỗi con người khi sống trên đời đều có 01 cây cầu số mệnh, qua từng năm tháng, khi tuổi càng cao thì cây cầu này sẽ bị đứt gãy và gây ảnh hưởng đên sinh mệnh. Do đó, nếu gia đình còn người già từ 61 tuổi trở lên thì trong dịp đầu năm người ta sẽ thường làm lễ thêp cầu tâu slố (tức sửa chữa cây cầu số mệnh và nối số) để mong người già sống thêm lâu với con cháu. Lễ nối số được tổ chức liền trong 03 năm với sự trân trọng rất lớn của con cháu dành cho ông bà, bố mẹ then, bàn thờ tổ tiên và mâm cây hoa. Gia chủ và người nhà thực hiện nghi lễ vun cây hoa bằng cách đổ gạo vào bát cắm hoa 03 lần. Chủ nhà cầm theo con gà luộc, vừa đi vừa múa theo các thầy then. Thầy then và các đệ tử sẽ múa chầu xung quanh cây cầu và đồ gạo 03 lần lên cầu với những lời chúc bình an. Sau đó, các con cháu cũng thay phiên nhau đổ gạo 03 lần cây và và đặt vào chân cầu 01 phong bao lì xì với ý nghĩa gia cố lại cây cầu mệnh cho ông bà thêm chắc chắn và gia đình.
Bước 9: Lễ bù lương cho người già (pủ slang pủ lường)
Người Tày quan niệm mỗi người sinh ra trên đời đều được ban cho 01 bồ lương thực. Qua năm tháng, bồ lượng thực này cạn dần khiến cho con người mệt mỏi, ốm đau và suy kiệt. Do vậy, để cầu mong cho ông bà luôn khỏe mạnh thì trong lễ giải hạn, cầu an đầu năm, người Tày thường làm thêm cả lễ bù lương vào bồ sinh mệnh cho người già. Bồ sinh mệnh được tượng trưng bằng 01 ống bương lớn bọc giấy đỏ và được đặt trên một cây cầu bằng vải trắng. Đầu tiên, thầy then sẽ bỏ vào bồ sinh mệnh 01 gói muối và 01 gói chè, tiếp theo đặt lỳ xì và đổ vào bồ 03 chén gạo nhỏ. Tiếp theo, các con cháu sẽ lần lượt vào thực hiện nghi thức bù lương cho ông hoặc bà. Khi nhận những lời chúc từ các cháu, ông hoặc bà sẽ cảm ơn và tặng lại cháu 01 phong bao lì xì nhỏ.

Bước 10: Lễ thu quân (hồi binh hồi mạ)
Sau khi hoàn thành tất cả các nghi lễ trong cầu an, giải hạn, các thầy then làm lễ hồi binh hồi ma với ý nghĩa cảm ơn và tiền các vị thần linh, tố sư về trời. Gia chủ tiến lên lạy bàn thờ then 03 lần rồi rót rượu để cảm ơn thần linh. Tiếp đó, thầy then làm lễ phát lộc cho gia chủ và toàn bộ dân làng đến dự lễ then. Lộc của thầy then phát là rượu, trầu và những vật thiêng cầu may như lá bùa, bút vở,...
Bước 11: Lễ tạ ơn thầy then (vàn phúc)

Mục đích của lễ này nhằm thể hiện sự tri ân của gia đình đối với thầy then và binh quyền của các thầy. Gia chủ sẽ đem đến 01 bát gạo có cắm 03 nén hương và 01 phong bao lì xì nhỏ. Thầy then sẽ nhận bát gạo này và trả lại bát khẩu khoăn trên bàn thờ then gia chủ cùng với lời chúc bình an. Tiếp đó, thầy sẽ làm lễ để ném túi quần áo vía gọi là tẩy khoăn cho gia chủ.
Bước 12: Lễ tạ ơn tổ sư

Thầy then cúng tổ sư và khao binh mã để tạ ơn các ngài đã giúp đỡ, phù hộ cho việc hành lễ được thuận lợi. Sau khi hoàn tất cuộc lễ, thầy then bày các lễ vật gồm gà, thịt lợn, bánh kẹo, hoa quả trước bàn thờ then để cúng tạ ơn tổ sư và binh quân đã hỗ trợ thầy trong suốt cuộc hành lễ. Tiếp đó, những lễ vật này sẽ được đem đi chế biền thành các món ăn.

Tái hiện Lễ cầu an của dân tộc Tày là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày tại “Ngôi nhà chung”. Đây còn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, khơi dậy niềm tự hào các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Qua đó, góp phần giáo dục ý thức, trách nhiệm cho các thế hệ trẻ trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Phạm Hương